Bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thày (góc nhìn mới) 15/12/2017

Trải qua thăng trầm lịch sử, với nhiều triều đại liên tiếp đã tạo dựng cho Việt Nam một kho tàng đồ sộ về vật thể và phi vật thể, kể cả trong những giai đoạn khó khăn nhất (Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 150 năm) nền nghệ thuật hàn lâm & dân gian Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ đa dạng và đa chiều.

Tiêu biểu cho giai đoạn này còn tồn tại đến ngày hôm nay là bộ tượng Di Đà Tam Tôn có niên đại đầu thế kỷ XVII gồm ba pho tượng phật A Di Đà; Quan Thế Âm Bồ Tát và phật Đại Thế Chí. Đây là bộ tượng được giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định có niên đại 1607 và là bộ tượng Di Đà Tam tôn sớm nhất Việt Nam.

Nhận thấy sự độc đáo, thẩm mĩ cao chứa đựng nhiều thông điệp giá trị của tiền nhân để lại, đội ngũ những người thực hiện của Circle Group và sự tham gia của nhiều cộng sự đã nghiên cứu, tiếp cận tư liệu gốc, tiến hành thu nhỏ so với hiện vật gốc thu về 3/1.

Nguyên gốc bộ tượng được tạc bằng gỗ Mít và trải qua nhiều lần tôn tạo lớp sơn son thếp vàng chồng lên nhau dẫn đến mất dần các nét, thậm trí có nhiều hoa văn gần như mất hẳn. Được xếp hạng là Bảo vật quốc gia, trong quá trình triển khai chúng tôi cũng nhận thấy một số chi tiết không phù hợp (nổi bật nhất là toàn bộ phần đùi của cả bộ tượng đều quá bé so với tỉ lệ chung của toàn tượng) chi tiết cổ tay, chân cũng chưa được hợp lý (những chi tiết này phải chăng người xưa ít để ý?)

 

(Tượng A Di Đà ngự chính giữa, vị trí cao nhất phía trong cùng của gian giữa tòa điện Thánh. Tượng theo tư thế kiết già. Đầu tượng có tóc kết xoắn ốc cao thiên về phía đỉnh. Tai đeo hoa, cổ đeo vòng trang trí hình tròn lớn ở giữa với hình hoa mai và anh lạc. Theo các chuyên gia về mỹ thuật thì cách tạo hình tượng đeo dây anh lạc chỉ có ở tượng niên đại thế kỷ XVI, XVII. Tay phải của tượng để trước lòng đùi kê lên bàn chân, tay trái lồng lên tay phải. Ngón cái của hai tay đan xen nhau, đều đeo nhẫn có mặt hoa cúc mãn khai. Tượng khoác áo cà sa chùng lỏng, gấp nhiều nếp phủ quanh cổ và lượn tròn trước bụng. Lớp áo ngoài trùm qua bờ vai, phủ lên hai gối xuống mở bệ sen. Bên trong có lớp xiêm rộng thắt lưng nhiều nếp và bó mối xoắn.)

Tiêu bản bộ tượng Di Đà Tam Tôn được chúng tôi để mộc (không sơn thếp) vì thế gỗ nhóm 1 được lựa chọn để triển khai, quá trình triển khai cũng khá gian nan bởi gỗ để mộc (khô tự nhiên) sẽ dẫn đến tình trạng nứt, hoặc trong quá trình chọn gỗ vẫn không thể tránh được “rác” trong các khúc gỗ. Sự kiên trì cũng được đền đáp, sau và lần thất bại cuối cùng phiên bản bộ tượng Di Đà Tam Tôn đã cơ bản hoàn thành (pho cao nhất là 62cm – nguyên gốc cao trên 1,6m)

(Tượng Bồ tát Đại Thế Chí ngự trên bệ vuông, chân trái buông thõng, chân phải xếp bằng.  Đầu đội mũ thiên quan, lượn vành núi cao, trang trí hoa sen. Mặt thanh nhỏ, Cổ đeo vòng. Tay phải cầm phất trần đặt lên đầu gối phải, tay trái để ngửa trước lòng. Tượng khoác cà sa chùng rộng, giống tượng đức Phật A Di Đà và Bồ tát Quan Thế âm. Quanh thân có vòng tràng hạt điểm hoa tròn, tua ngũ sắc rủ qua hai vai, quấn quanh tay, lượn xuống đùi).

Nhiều năm qua do sự “xâm chiếm” của nền văn hóa lạ và xu hướng thẩm mĩ của công chúng thích sự hoàng nhoáng bóng bảy dẫn đến các làng nghề hiện nay tạo hình đều mất dần vẻ đẹp thuần Việt (gỗ, đồng, gốm, đá đều như tình trạng trên) bởi thế chúng tôi cho rằng qua đợt phục dựng bộ tượng gỗ tiêu biểu trên sẽ là tiền đề để có cơ hội triển khai cũng hoạt động có tính liên tục với tiêu chí ” trăm hay không bằng quen tay” làm nhiều, thật nhiều và luôn ý thức, chắc chắn những giá trị và phong cách nghệ thuật đặc trưng của người Việt sẽ được phục hồi.

(Tượng Quan âm Bồ tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng trên mặt đài sen. Đầu tượng đội mũ thiên quan, đính nhiều bông hoa tròn, đóa ở giữa có quầng sáng hình lá đề cân xứng. Mặt nhìn thẳng phía trước, đôi tay chắp trước ngực, bàn tay lồng úp vào nhau. Ngoài cùng khoác cà sa chùng rộng, cổ áo lượn tròn, phủ cân xứng hai bên tay, xuống đùi rồi trùm mặt bệ. Đường diềm áo có điểm hoa văn hình hạt ngọc và những bông hoa trông tựa như tràng hạt.)

P/S: Nguyên gốc đều cao trên 1,4m đến 1,6m và đặt trên cao nhất của tòa Tam Bảo, nay thu nhỏ và vị trí tiếp cận khác, trải qua nhiều đợt trùng tu thần thái của bộ tượng không còn được như ban xưa, chúng tôi cũng ý thức đưa ra một số quan điểm để xử lý, tạo nên sự cân đối, hài hòa và đảm bảo được tinh thần của bộ tượng, và còn nhiều việc phải làm nữa….

https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=77C440

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?