Chấm tranh “Bé vẽ màu dân tộc” đợt 1 03/08/2017

“Đông Hồ – một cái tên làng quen thuộc nằm bên bờ sông Đuống thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh đã từ lâu đi vào cuộc sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam bằng những bức tranh dân gian nổi tiếng, tiêu biểu cho nền mỹ thuật cổ truyền Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi bức tranh là tượng trưng cho một câu chuyện hay một biểu tượng dân gian mang tính triết lý, một bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng sâu sắc.

Tranh Đông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Nhưng nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng lại rất hợp tình hợp lý.
Tranh Đông Hồ đa dạng nhiều thể loại khác nhau, có thể tạm chia ra mấy loại chính sau: tranh thờ (ngũ hổ, tứ địa, thập nữ vương, bộ nghi – môn…); tranh chúc tụng (gà, lợn, tích ngọc đôi kim, mong ước đầu năm…);  tranh sinh hoạt (tăng gia bi bản…); tranh vui (hứng dừa, đánh ghen…); tranh châm biếm (thầy đồ cóc, đám cưới chuột…); tranh truyện (Thạch Sanh, Thúy Kiều – Kim Trọng…); tranh phong cảnh, tĩnh vật (tứ quý, tứ bình…); tranh phương châm, phương ngôn (nhị thập tứ hiếu…)… . Tranh Đông Hồ là tranh điệp truyền thống có tên gọi chung là tranh Tết. Tranh treo Tết phải vui và dí dỏm, cũng có thể nhắc nhở một lẽ sống, một lối ứng xử thích hợp.

Người  nông dân Việt Nam vốn hiền chất phác, giản dị. Từ khi sinh ra, lớn lên, xây dựng gia đình, sinh con, đẻ cái đến lúc qua đời, cả cuộc đời họ thường gắn bó với một không gian hẹp, sau lũy tre làng. Họ cũng yêu cái đẹp, cũng khát khao, mong ước những cái đẹp. Với tính cách đó, với điều kiện sống đó, cái đẹp đối với họ là những thứ rất gần gũi thân thuộc: cây đa, bến nước, con đò… và những khát khao, mong ước của họ về cái đẹp cũng thật giản dị, gần gũi nhưng lại chứa đựng tính nhân văn vô cùng sâu sắc và những truyền thống nhân – lễ – nghĩa tốt đẹp được đúc kết, gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Việt Nam là một nước có loại hình văn hóa gốc nông nghiệp. Mối quan tâm số một của con người nông nghiệp là sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và con người, họ luôn mong sao cho mùa màng bội thu, gia đình đông đúc. Chính vì vậy, triết lý âm dương, ngũ hành, tín ngưỡng phồn thực… đã đi sâu vào tâm thức của người dân đất Việt. Những ước mơ bình dị đó thể hiện cái đẹp chân thật, mộc mạc của con người Việt Nam, những cái đẹp đó đã đi vào tranh Đông Hồ một cách tự nhiên, sống động qua trí tưởng tượng phong phú, đa dạng của những nghệ nhân được thể hiện ở cách vẽ thô mộc, khỏe khoắn, bố cục chặt chẽ, màu sắc tươi trong…, cái đẹp đó đã trở thành nghệ thuật – bản sắc của dân tộc Việt Nam.

Trải qua thời gian, cuộc sống từ nông thôn đến thành thị giờ đây đã thay đổi khá nhiều, cuộc sống được cải thiện, hạ tầng được nâng cấp, không gian ở của người dân đã thay đổi vì thế việc nhiều tập tục, thói quen xưa đã không còn phù hợp, tranh Đông Hồ cũng không nằm ngoài quy luật đó, dần dần nhiều người bỏ nghề, dẫn đến sự vắng vẻ các chợ tranh trong mỗi dịp tết. Tính dân gian, mộc mạc tương phản với quan niệm tạo hình mỹ thuật theo phong cách hàm lâm có học thuật vô tình xem nhẹ giá trị tranh Đông Hồ, nhiều họa sĩ chuyên nghiệp và các nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật nhiều năm qua cũng ít quan tâm đến dòng tranh truyền thống này.

Nhận thấy giá trị của tranh Đông Hồ vẫn còn sức hấp dẫn bởi mỗi bức tranh là một thông điệp hết sức giá trị Hội Quán Di Sản đã nghiên cứu và đề xuất tổ chức cuộc thi “Bé vẽ màu Dân Tộc” với chủ đề là các bức tranh gắn liền với tuổi thơ, có tính giáo dục, tính giải trí, tiêu biểu như” Thày đồ Cóc” ” Hiếu học” “Vinh hoa – Phú quý” “Sáo diều” ” Bịt mắt bắt dê” ” Đinh Tiên Hoàng” ” Thánh Gióng”… làm nền tảng từ đó các thí sinh tham gia (từ 4 đến 9 tuổi) căn cứ vào nội dung và chủ đề bức tranh để sáng tác ra các tác phẩm có nội dung tương tự nhưng trên tư duy và cảm thụ của từng bé. Các bậc phụ huynh cũng rất quan tâm đến những tiết học ngoại khóa, đặc biệt hội họa và âm nhạc là 2 loại hình trẻ nhỏ cảm thụ và dễ biểu cảm nhất, do đó những bé khi tiếp cận đến nghệ thuật thì hội họa chính là những nét nghệch ngoạc đầu tiên. Chính sự hồn như và trong sáng những tác phẩm của các bé gửi về tham gia cuộc thi làm sững sờ BTC. Bởi ngay từ khi phát động nhiều họa sĩ chuyên nghiệp còn phải phát biểu “Đề tài quá khó, chúng tôi còn không dám thử…” ấy thế qua tư duy của các bé “Vinh Hoa – Phú Quý” “Sáo diều” “Đám cưới Chuột”… hiện ra cực kỳ sống động và đầy hơi thở của thời đại…

Từ vòng sơ loại (diễn ra trên facebook) là một cuộc rượt đuổi về số lượt bình chọn, lượt chia sẻ, lượt like từ các bậc phụ huynh, của công chúng yên nghệ thuật, rồi BTC phải cân nhắc căn cứ vào tiêu chí của nội quy cuộc thi để đánh giá lựa chọn các tác phẩm đi tiếp vào vòng trong. Sau hơn 2 tháng phát động và tuyển chọn lần 1 trên 1000 tác phẩm của các thi sinh khắp mọi miền tổ quốc, có cả thí sinh nước ngoài, cuối cùng BTC lựa chọn được 250 tác phẩm để Hội đồng nghệ thuật chấm trực tiếp. Một sân chơi cho các cháu thiếu nhi, thu được một lượng lớn các tác phẩm tham dự, thú vị ở chỗ được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều LÃO THÀNH trong giới mỹ thuật theo sát ngay từ những buổi đầu phát động, chấm online, vòng loại rồi chấm trực tiếp, hồi hộp và gây cấn đến phút chót, tranh luận sôi nổi, bỏ phiến kín, bình chọn giải Nhất … cuối cùng phải có thêm 2 giải không nằm trong nội dung. Giải ĐẶC BIỆT và giải PHONG CÁCH bởi chỉ các bé mới thuyết phục được các NGUYÊN LÃO trong giới chấp thuận bỏ phiếu để tìm ra kết quả bởi nhiều tác phẩm không đúng chủ đề, nhưng thể hiện xuất sắc.

Một cuộc thi hiếm và đầy thú vị bởi nội dung lấy từ nền tảng tranh dân gian ĐÔNG HỒ rất nổi tiếng, đề tài khó đối với cả các họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng đối với các bé mọi thứ trở nên đơn giản, chuyện thần tiên được tái hiện trong các tác phẩm và mọi thứ đều trở nên tuyệt vời.

Bao giám khảo đều là những họa sĩ hàng đầu trong nền mỹ thuật Việt Nam.

Chủ tịch hội đồng chấm giải: PGS, NGND, họa sĩ Trần Huy Oánh.
Hội đồng 1: PGS, TS, nhà phê bình lý luận Nguyễn Đỗ Bảo.
Hội đồng 2: PGS, NGND, họa sĩ Lê Thanh.
Hội đồng 3: PGS, TS, Họa sĩ Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng trường MTCN
Hội đồng 4: HS Lê Tiến Vượng – Trưởng phòng thiết kế báo thiếu niên tiền phong.
Hội đồng 5: Ths, nhà thiết kế Trần Thanh Tùng – Sáng lập Circle Group.

Mời các bạn xem qua quá trình chấm tranh

Tổ chức: Circle Group

Phát động: Hội Quán Di Sản.

Đồ họa: Điêu khắc vòng tròn.

 

 

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?