Phạm Thuận Thành
Chùa Bút Tháp là gọi theo tên làng, tên chính là Ninh Phúc tự, được xây dựng quy mô như ngày nay từ thời Lê Chân Tông theo thiết kế và chỉ đạo của thầy trò Chuyết Chuyết thiền sư và Minh hành thiền sư, với sự hưng công của hoàng gia, đứng đầu là hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. Chùa xây dựng chính trong vòng từ năm Phúc Thái thứ 2 đến năm Phúc Thái thứ 7 (1642 – 1647). Tuy nhiên, nhiều hạng mục quan trọng khác vẫn tiếp tục được xây dựng sau đó, như tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tháp đá Báo Nghiêm (tháp mộ Chuyết Chuyết thiền sư), tháp đá Tôn Đức (tháp mộ Minh Hành thiền sư), nhà tổ và tượng hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, hoàng tử Lê Đình Tứ, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên.
Từ khi xây dựng đến nay chùa Bút Tháp luôn là nơi hành hương tâm linh quan trọng của nhân dân cả nước và ngày nay là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nếu tháp đá Báo Nghiêm có hình dáng như cây bút khổng lồ viết nên trời xanh trở thành biểu tượng văn hóa của tỉnh Bắc Ninh thì pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay lại là biểu tượng văn hóa của Việt nam với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, sự thiêng hóa về pho tượng đã được nhiều người nhắc đến và nhân dân truyền tụng.
Tượng Phật Bà Quan Âm chùa Bút Tháp
Pho tượng Phật Bà Quan Âm được tạc bằng gỗ quý, kích thước chiều cao 3,7m; chiều ngang 2,1m; chiều dày 1,15m. Ngoài khuôn mặt chính, pho tượng còn có 11 mặt Phật, tương truyền do Phật quá lo nghĩ cứu khổ cứu nạn cho dân nên bị nổ vỡ, sau được Phật Adida chắp lại nên trên đỉnh pho tượng có cả tượng Adida. Tượng có 42 cánh tay để trần vẻ mềm mại, phía sau có 952 bàn tay, mỗi bàn tay có một con mắt đen dài, gắn 14 lớp mở rộng dần tạo thành vầng hào quang. Điều đặc biệt nữa là pho tượng có khắc chữ lạc khoản cho biết ngày tháng hoàn thành là ngày tốt mùa thu năm Bính Thân (1656) và tác giả điêu khắc là Nam Đồng Giao Thọ nam Trương tiên sinh (nghệ nhân họ Trương, tước Giao Thọ nam, người quê Nam Đồng).
Hình mẫu tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được nhiều chùa Việt Nam tạc theo nhưng số tay, số mắt không nhiều và không đẹp như nguyên bản ở chùa Bút Tháp.
Năm 1958 Bảo tàng Mĩ thuật đúc phiên bản tượng bằng thạch cao để Bác Hồ tặng thủ tướng Neru (Ấn Độ) nhưng phải làm đến lần thứ ba mới được. Lần thứ nhất đúc một năm mới xong nhưng ô tô chở tưởng về đến cầu Long Biên thì bị đổ vỡ do sơ suất chằng buộc pho tượng quá cao. Lần thứ hai đúc chín tháng thì xong nhưng ô tô về đến Gia Lâm thì đụng vào xe chở tên lửa lại làm đổ vỡ tượng. Trước khi đúc lần thứ ba người ta phải làm lễ cầu khấn Phật và xin âm dương xem có được âm phù hay không. Kết quả thuận lợi. Lần này pho tượng đã hoàn thành và đến được tận quê hương Ấn Độ đất Phật xa xôi.
Năm 1976 trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp nhận đơn đặt hàng của chính phủ chọn làm kỉ vật quốc gia để chính phủ đi thăm cảm ơn và tặng quà các nước anh em giúp đỡ kháng chiến chống Mĩ thắng lợi. Trường đã làm nhiều thác bản tượng cổ như 18 vị La Hán chùa Tây Phương, tượng Adida chùa Phật Tích, tượng Phật Bà Quan Âm chùa Bút Tháp, cột đá chùa Dạm… Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân đến trường nghe thuyết trình chọn lựa của trường. Trường chọn pho tượng Phật bà Quan Âm vì ý nghĩa nhân văn, giá trị nghệ thuật và yếu tố tâm linh của nhân dân vào đức Phật xả thân cứu thế này. Thủ tướng hài lòng và giao cho trường làm nhiều phiên bản đẹp, giống nhau để tránh sự phân biệt quà nước này đẹp hơn quà nước kia. Khoa gốm của trường do họa sĩ Đặng Đình Diệp làm trưởng khoa trực tiếp thi công. Việc đầu tiên là chọn đất nguyên liệu. Cán bộ khoa đến nhiều làng nghề gốm lấy mẫu đất, cuối cùng chọn được đất làng gốm Phù Lãng. Việc làm khuôn đúc do nghệ nhân cấp cao Đào Văn Can người làng Triều Đông (Thường Tín) làm. Nghệ nhân Đào Văn Can chuyên làm gốm cao cấp dùng cho cung đình, sau được mời về trường làm mẫu cho sinh viên. Tượng cao 0,70m; nặng 14kg nhưng vẫn giữ đúng hình dáng nguyên mẫu. Nung bằng than củi tốt. Phôi dược thếp vàng do làng nghề Kiêu Kị cung cấp. Sau khi làm xong tượng, chính phủ đón tiếp vị Phó Tổng giám đốc cơ quan UNESCO của Liên hợ quốc sang công tác, khi mở tấm vải đỏ phủ tượng ra, vị Phó Tổng giám đốc này đã lập tức cung kính quỳ lạy như một phật tử chân truyền gặp Phật vậy.
Mới đây, tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp đã được nhà nước xếp hạng là bảo vật quốc gia.
Nguồn: tạp chí Xưa và nay. Số 415 (11/2012), tr.27-28