Thông tin:
– Ngày khai mạc: Thứ sáu 2/2/2018
– Địa điểm: Không gian văn hóa ĐÌnh Kim Ngân – 42 Hàng Bạc (vào cửa tự do)
– Đơn vị tổ chức: Ban quản lý di tích Phố cổ phối hợp với Hội Quán Di Sản – Dự án Ban Thờ Việt đồng tổ chức
– Liên hệ: http://facebook.com/banthoviet.org
– Hotline: 01273493222 (Đức Anh, ban biên tập)
Trước rằm tháng Chạp (15 tháng 12 âm) nhà nhà đã bắt đầu quét dọn gian thờ, bao sái chân nhang, đánh bóng các đồ thờ tự và bày biện để chuẩn bị rước ông Táo (thần bếp) lên chầu trời. Người thành phố thì quan niệm ngày 23 tháng Chạp, ông Táo chầu trời mới kết thúc chu trình làm việc của gia đình trong năm, thêm nữa đó mới là lúc người ta rảnh rỗi công việc và có thời gian để làm việc này. Thế nên, đại đa số gia đình thành thị thường làm việc này sau ngày 23 tháng Chạp với ý nghĩa là tiễn tất cả những gì cũ kỹ, tồn di của 1 năm mới ra đi để đón những điều mới mẻ cùng một mùa xuân mới đang đến. Sau khi lau dọn bàn thờ, đồ thờ xong, người ta lại lau lại 1 lần nữa bằng nước đun ngũ vị hương để tẩy uế, trừ tà và tạo ra một hương thơm thoang thoảng trên bàn thờ ngày tết.
Các lễ vật bày trên bàn thờ gia tiên ngày tết thì tùy theo quan niệm từng vùng, từng địa phương lại dâng cúng các vật phẩm khác nhau, nhưng có những lễ vật cố định mà nhà nào cũng có thường là: Thứ nhất Mâm ngũ quả-người Việt thường bày năm loại quả có màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ hành hoặc ngũ phúc. Tuy nhiên về mặt mỹ thuật chúng ta có thể thấy việc bày biện 5 màu sắc khác nhau trên bàn thờ sẽ khiến cho người nhìn vào có cảm giác sung túc và sinh động hơn. Các loại quả thường dùng là chuối ta, bưởi (phật thủ), cam, hồng (hoặc ớt), lê, táo, dưa hấu. Người Miền Nam thì thường bày 5 loại quả là: Mãng cầu, Sung, Dừa, Đu đủ và Xoài với ý nghĩa khi ghép tên năm loại quả này thành một điều họ hằng mong ước “cầu sung vừa đủ xài”. Thứ hai là mứt tết và bánh kẹo. Vì là đồ dâng cúng tổ tiên nên người ta thường bày những hộp bánh mứt tốt nhất, mới nhất với trang trí cầu kỳ, bắt mắt để trang hoàng ban thờ tạo ra cảm giác sung túc, no đủ. Thứ ba là bánh Chưng thì có 2 loại bánh Chưng chủ yếu là bánh Chưng vuông và bánh Chưng đòn (bánh tét). Ở một số vùng núi phía bắc người Việt còn gói bánh Chưng hình chóp, hình nón, xâu lại với nhau thành chuỗi treo trên bàn thờ.
Việc bày biện trên bàn thờ người Việt ngày tết không chỉ là để tỏ lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, thánh thần mà còn là thể hiện sự sung túc, đầy đủ, yên bình của cả gia đình để đón một mùa xuân mới với những điều tươi mới, tốt đẹp.
& nhiều sự kiện ý nghĩa sẽ diễn ra trong gần 1 tháng tại 42 Hàng Bạc.
Hân hạnh đón tiếp quý vị.