Triển lãm giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu được phục dựng, mô phỏng, thiết kế từ những bảo vật quốc gia, những hiện vật tiêu biểu của từng triều đại phong kiến VN từ thời Lý đến thời Nguyễn.
Tượng Phật A Di Đà – Bảo vật quốc gia, mô hình thu nhỏ
Phục dựng và thu nhỏ di sản
Đến triển lãm, người xem được thưởng lãm nhiều hiện vật quý giá. Tỉnh Bắc Ninh có 2 Bảo vật Quốc gia được phục dựng hoàn chỉnh với tỷ lệ nhỏ nhất và trưng bày tại đây, là tượng Phật A Di Đà (chùa Phật Tích, huyện Tiên Du) và cột đá chùa Dạm (thành phố Bắc Ninh).
Tại đây, còn nhiều mẫu tượng khác được phục chế với kích thước nhỏ để mỗi người có thể dùng để thờ hoặc trang trí. Các hiện vật được làm bằng các chất liệu như đất nung, đồng,… thậm chí bằng bạc do các nghệ nhân hiện nay thiết kế và phục dựng lại giống như nguyên mẫu nhưng với chiều cao chỉ khoảng 24cm. Triển lãm cũng giới thiệu bức tranh “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” – mô tả Sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xuống núi – được chuyển thể sang tranh gỗ khảm ốc, bình gỗ trang trí khảm ốc.
Cũng trong triển lãm này, những đồ án đồ gỗ nội thất mang dấu ấn thời Lý, thời Trần, thời Lê, thời Mạc lần đầu tiên ra mắt trong bộ sưu tập như ghế gỗ, trấn phong gỗ sử dụng những hoa văn, họa tiết đặc trưng VN.
“Di sản Việt Nam – Góc nhìn mới” không chỉ dừng lại ở trưng bày một cách chân thực nhất các hiện vật đã được phục dựng hoàn thiện mà còn phát triển thành sản phẩm nghệ thuật tinh tế mang tính ứng dụng và tính thẩm mỹ cao. Những thể nghiệm mới mẻ về di sản VN thông qua các mẫu thiết kế được tạo thành từ việc thu nhỏ những bức tượng cổ nổi tiếng của VN như tượng Tuyết Sơn ở chùa Tây Phương, thu nhỏ những bức tượng, những mô-típ trang trí trong di tích Việt như đầu rồng, phù điêu, bộ thờ… để có thể sử dụng làm tượng thờ, làm đồ trang trí, trên các đồ nội ở những nơi trang trọng trong gia đình.
Đây là một hướng đi mới đầy sáng tạo vừa có tính bảo tồn các di sản văn hóa, quảng bá hình ảnh các di sản đặc sắc của VN ra với thế giới, vừa tạo ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Hoạ sĩ Trần Thanh Tùng, nhà thiết kế chính của triển lãm chia sẻ: “Trước kia chúng ta thường quen với các tượng Phật, các tích truyện của nước ngoài trong thờ cúng, trong làm các đồ trang trí như bình phong, các tranh tứ quý,… mà vô tình quên mất chúng ta cũng có bề dầy lịch sử hàng ngàn năm văn hóa trầm tích với những tượng, đình, đền, mẫu vật mang nét kiến trúc thuần Việt, có đặc trưng văn hóa riêng đặc sắc. Chúng tôi là những người trẻ quan tâm về di sản và chúng tôi muốn đưa di sản – một phần của quá khứ sống lại. Triển lãm này còn một mục đích rất quan trọng là tạo ra xu hướng cho những người làm về văn hóa truyền thống nhìn nhận được giá trị, vai trò của di sản trong đời sống đương đại”.
Trong khuôn khổ triển lãm này, đã diễn ra 2 cuộc tọa đàm lý thú thu hút nhiều nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật tham dự: “Giá trị bảo vật Quốc gia – Tượng A Di Đà chùa Phật Tích”, “Mỹ thuật truyền thống ứng dụng vào sản phẩm mỹ thuật công nghiệp”…
Đưa cổ vật vào đời sống
Có thể nói đây là những buổi tọa đàm hiếm hoi bàn về phát huy giá trị truyền thống đưa vào ứng dụng trong sản phẩm mỹ thuật công nghiệp, những thực trạng đang tồn tại trong các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cách tổ chức hoạt động của các làng nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường…
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị nhận định, nhu cầu sử dụng các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt hiện tăng đột biến; trong khi đó, khâu tạo mẫu, tiếp cận công nghệ lại chưa tốt. Thực trạng này dễ dẫn đến sự tràn lan của vật phẩm văn hóa ngoại, cũng như sự xuống cấp và thờ ơ của công chúng đối với giá trị văn hóa truyền thống.
“Những đồ án đồ gỗ nội thất mang dấu ấn thời Lý, thời Trần, thời Lê Sơ, và thời Mạc lần đầu tiên được ra mắt trong bộ sưu tập tại triển lãm này là nhờ công rất lớn của Hội quán Di sản. Đây là những sản phẩm có tính ứng dụng cao dựa trên nền tảng chất liệu sơn mài, đồ gỗ, đồ đồng, và những hoa văn, họa tiết đặc trưng của mỹ thuật cổ VN trải qua các thời kỳ lịch sử được tái hiện, được nghiên cứu, và mỹ thuật truyền thống ứng dụng vào sản phẩm công nghiệp hiện nay có vai trò, có giá trị tinh thần rất lớn, vì nó là một vốn quý, một kho tàng, và chúng ta cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, TS.Nghị bày tỏ.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nêu vấn đề, tình trạng sản xuất tại các làng nghề của ta hiện nay chủ yếu là sản xuất theo các đơn đặt hàng, sản xuất theo các mẫu của các nước khác. Tại sao chúng ta không sản xuất theo các mẫu của chúng ta, của cha ông để lại trước đó, và đó cũng là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ rất nhiều.
Họa sĩ Trần Thanh Tùng, người sáng lập Hội quán Di sản nêu vấn đề: Pho tượng Phật A Di Đà là bảo vật quốc gia, thế nhưng, chẳng lẽ, bây giờ 90 triệu dân muốn chiêm ngưỡng phải đến chùa Phật Tích (Bắc Ninh), hay phải vào trong bảo tàng để xem?
“Chính sự hạn chế ấy dẫn đến nhiều năm nay những bức tượng ngoại lai ồ ạt vào nước ta, và người dân sử dụng một cách hoàn toàn vô thức. Trong khi những pho tượng tổ tiên chúng ta để lại, có giá trị thì không sử dụng. Vấn đề ở đây là chúng tôi muốn đưa lịch sử vào trong đời sống đương đại thông qua những sản phẩm này và nhờ đó chúng ta mới đưa được ra thế giới. Chẳng hạn, đầu rồng thời Lý được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà lưu niệm tặng người đứng đầu Nhà Trắng. Từ đó mà hình ảnh VN đã được nhiều người biết tới, và trong bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có nói: “Nhờ món quà của ngài mà tôi hiểu hơn về văn hóa Việt”. Người nước ngoài đến VN chính là đến để nhìn nhận và tìm hiểu. Thế thì chẳng có lý do gì chúng ta lại không biết cách khai thác những yếu tố đó vào trong sản phẩm mỹ thuật công nghiệp. Không có một sự quảng bá văn hóa nào tốt bằng việc mình dùng ngay chính vốn văn hóa của cha ông mình để trở thành sản phẩm văn hóa”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cũng đưa ra băn khoăn: “Những nghệ thuật kiến trúc điêu khắc cổ vốn thường xuất hiện ở cung đình, chùa chiền. Vậy khi đưa vào các sản phẩm sinh hoạt như: bát đũa, quần áo,… thì liệu tính thiêng liêng ấy có bị mất đi hay không? Đấy là câu hỏi chúng tôi luôn đặt ra trước khi bắt tay vào phục dựng, làm một sản phẩm. Chúng tôi đưa ra những tiêu chí sau: những sản phẩm mang tính chất trừu tượng thì không thể thay đổi; có những sản phẩm được đơn giản hóa để sử dụng được; và có những sản phẩm trở thành quà tặng… Tôi rất thích một câu nói rất hay, đó là “Đẳng cấp của một quốc gia là bề dày văn hóa”, và tôi dám khẳng định là VN mình được các nước khác tôn trọng. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có một nền văn hóa độc lập, mà rõ ràng cả ngàn năm Bắc thuộc cũng không bị đồng hóa, và trải qua hàng nghìn năm nó vẫn trường tồn. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào cho những “Góc nhìn mới” ấy được phát quang…”.
Các hiện vật trưng bày tại triển lãm
Chu Minh Khôi
Nguồn: https://giacngo.vn/vanhoa/kylucphatgiao/2016/12/15/56C4CA/