Sự khác nhau giữa Xẩm Hà Thành và xẩm cổ 08/07/2017

Hát xẩm có từ rất lâu trên đất kinh kỳ Thăng Long xưa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay khi nghe lại người ta vẫn còn thấy vẹn nguyên ký ức về những chuyến tàu điện chạy trên đường phố Hà Nội, cùng với tiếng leng keng là tiếng hát, tiếng đàn da diết và được gọi tên là Xẩm tàu điện. Điều tạo nên sức sống lâu bền ấy là bởi những nét riêng độc đáo của nó.

Nghệ thuật hát Xẩm xuất hiện ở nhiều tỉnh thành miền bắc như Hải Phòng, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa và còn di chuyển đến cả Hà Tĩnh nhưng mỗi nơi có một phong cách riêng. Ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, bên cạnh các dòng xẩm địa phương, Xẩm Hà Thành đã đã từng lên ngôi, khẳng định chỗ đứng như một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo. Bởi vào thời điểm đó các làng nghề truyền thống đã tập hợp và phát triển mạnh trong 36 phố phường, những nghệ nhân theo chân lên lên Hà Nội sinh sống mang theo các dòng xẩm địa phương song nhận thấy môi trường Hà Nội là người thành thị họ không thể đối đáp được giống như ở làng quê nên họ buộc phải thay đổi về vấn đê thẩm mỹ nghệ thuật phù hợp. Trong khi đó, Xẩm Hà Thành không những không bị lấn át mà còn hội tụ tất cả các dòng hát xẩm của các làng quê để phát triển thành các điệu xẩm riêng không đâu có: xẩm tàu điện, xẩm ba bậc, xẩm nhà tơ (hát trong thính phòng), xẩm huê tình. Dựa trên nhiều yếu tố người ta dễ nhận thấy xẩm tàu điện có rất nhiều nét khác biệt so với xẩm chợ, xẩm truyền thống.

Nếu xẩm chợ cần khá nhiều nhạc cụ, đặc biệt luôn phải có trống thì xẩm tàu điện tối giản với nhị hồ và song loan. Nếu xẩm chợ thường dài lê thê, nghe não nùng, thảm thiết thì xẩm tàu điện ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh và cũng rộn ràng hơn. Mỗi bài hát thường rất ngắn phù hợp với hành trình của những chuyến tàu liên tục chuyến đi chuyến về trên các tuyến phố ngắn từ Bờ Hồ đi Cửa Nam, Chợ Hôm, Cầu Giấy…

Nếu trang phục xẩm chợ là áo tơi, nón lá thì nghệ nhân xẩm tàu điện ăn vận khá cầu kỳ. Nam giới chọn quần áo nâu, rét thì khoác thêm chiếc áo veston, đầu đội mũ cát. Nữ mặc áo tối màu, yếm sang màu, váy lưng lửng nơi đầu gối.

Hơn nữa, cũng là xẩm nhưng cấu trúc âm nhạc của xẩm tàu điện hoàn toàn khác. Về cơ bản, nó chỉ có một làn điệu nhưng trong quá trình vận hành, các nghệ nhân đã kỳ công trộn lẫn và “chuyển hệ” chúng một cách rất đỗi tài tình. Các bài xẩm là những áng thơ mượt mà, dễ cảm, dễ nhớ, tạo sự ăn nhập tài tình giữa thơ ca và âm nhạc. Và hơn hết tiết tấu của nó không thảm thiết, lê thê như các nơi khác mà mang phong cách âm nhạc của người Hà Nội rất rõ ràng.

Về yếu tố ca từ, khác với các dòng xẩm ở các làng quê chủ yếu dùng nội dung của văn thơ, ca dao dân gian, Xẩm tàu điện lại thiên về hát những bài có tác giả cụ thể. Các làn điệu thường được phổ từ thơ của nhiều tên tuổi như nguyễn Bính (Lỡ bước sang ngang, Chân quê..), Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải (Anh Khóa, Gánh nước đêm, Cô hàng nước), Tản Đà.

Yếu tố nhạc khí cũng khá nhiều khác biệt. Hát xẩm ở các làng quê không chú trọng nhạc cụ mà có gì dùng nấy, nhưng Xẩm Hà Thành nói chung được chia ra cụ thể: Hát ở chợ có sáo, nhị, sênh, phách, đàn gẩy, đàn bầu vì ở chợ đông ồn ào, cần có không khí tưng bừng, náo nhiệt. Hát trong thính phòng đơn giản chỉ có một loại nhạc cụ là đàn bầu, nhị hồ, đàn đáy hay trống mảnh. Trên sông nước thì càng đơn giản hơn, có khi chỉ có chiếc trống mảnh sử dụng cho các điệu hò khoan.

Có thể nói, Xẩm tàu điện là loại hình ca nhạc bình dân nhưng chuyên nghiệp bởi nó có quy chuẩn riêng. Ngày nay, nhiều bạn trẻ đã đến với loại hình âm nhạc này nhưng vận dụng sai lệch như đưa organ vào, hát những bài không đúng với tính chất hát xẩm…và như vậy sẽ làm biến thái dòng âm nhạc độc đáo của dân tộc.

 

 

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?