Nghệ thuật và kiến trúc Đông Nam Á 16/08/2017

Người dịch: Nguyễn Mai Hạ Quyên

Nghệ thuật và kiến trúc Đông Nam Á được nhắc đến ở đây bao gồm những tác phẩm đến từ khu vực địa lý thuộc các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Myanma (Burma trước đây), Malaysia, Singapore và Indonesia hiện đại. Khu vực còn được biết đến với cái tên bán đảo Đông Dương. Nền nghệ thuật nơi đây bắt nguồn từ 3 nguồn chính: truyền thống bản địa, Trung Quốc và Ấn Độ.

south-east-asia-map

Nguồn gốc lịch sử

Khi Ấn Độ giáo và Phật giáo du nhập đến Đông Nam Á, những giá trị của chúng đã được biến đổi để phù hợp với tín ngưỡng bản địa. Những công trình trước đó vốn không chịu ảnh hưởng lại thường được làm từ những vật liệu dễ hư hỏng, không còn sót lại. Những di chỉ thời kì Đồ Đá Mới cho thấy sự hiện diện của những công cụ, vật đựng bằng đá và đồ gốm. Đến thời kì Đồ Đồng (800-500 TCN), tại đây đã bắt đầu cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và các nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ.

Văn hóa Đông Sơn, phân bố tập trung quanh khu vực vịnh Bắc Bộ của Việt Nam hiện nay, chính là một ví dụ nổi bật cho những nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Hoa. Rất nhiều hiện vật phản ánh trình độ thẩm mỹ cao từ nền văn hóa này đã được khai quật, bao gồm chuôi dao găm bằng đồng, vật dụng trang trí, đèn, và đồ tùy táng. Đặc trưng của văn hóa Đông Sơn là những họa tiết trang trí theo hình xoắn ốc và Greek keys (diềm trang trí bao gồm những hình hình học liên tục, lặp lại theo chu kỳ, rất tiêu biểu của văn hóa Hy-La cổ đại). Bên cạnh đó là những chiếc trống đồng lớn táng theo người chết. Những chiếc trống được cho là một phần của tập tục cầu mưa của nền văn hóa nơi đây. Năm 111 TCN, nhà Hán (Trung Quốc) đã chinh phạt phần lớn khu vực này; kể từ đó, thị hiếu và kỹ thuật của Trung Hoa chiếm vị trí chủ đạo tại nơi đây.

h2_2000.284.57(Trống đồng Đông Sơn trưng bày tại Metropolitan Museum of Art, New York)

Cơ hội giao thương giữa Ấn Độ và phía Tây bán đảo Đông Dương phát triển, theo dòng thương mại mang đến những thành tựu trong kỹ thuật cơ khí, cấu trúc xã hội và hệ thống các thần linh của cả Ấn giáo và Phật giáo. Vương quốc cổ Phù Nam (được ghi lại trong sử cũ của Trung Hoa) trải dài đến tận Indonesia là một cường quốc trong khu vực, lấy thương mại làm chủ lực. Những ngôi đền đá dựng theo khuôn mẫu Ấn Độ được tìm thấy ở Phù Nam đã có niên đại từ thế kỉ thứ 6. Vương quốc Phù Nam cuối cùng di chuyển ngược dòng Mekong, thống nhất với Chân Lạp và phát triển tại trung lưu con sông này. Những di chỉ đầu tiên của nó – vốn góp phần định hình nghệ thuật Khmer – đa phần bao gồm những bức tượng thần và nữ thần mềm mại, cơ thể uốn lượn thanh tao dưới lớp vải thướt tha, mỏng manh.

Nghệ thuật Khmer

Cuối thế kỉ thứ 8, Chân Lạp tan rã. Đầu thế kỷ thứ 9, đế chế Khmer hình thành, tiền thân của Campuchia ngày nay. Indravarman (877-89), vị vua Khmer đầu tiên, bắt đầu xây dựng Angkor, một thành phố đền đài trác tuyệt, sử dụng hệ thống các kênh dẫn và hồ chứa để điều tức thủy lợi. Quần thể cung điện và đền đài lấy cảm hứng kiến trúc chủ yếu từ văn hóa Ấn Độ, nhưng các vị thần và những hình tượng phụ trợ lại được điêu khắc đa phần bởi phong cách đặc trưng Khmer, với những hình thể khêu gợi và nét cười điềm nhiên, vô vi. Hầu hết các tượng đài được trang trí công phu đến nỗi cả tổ hợp kiến trúc ấy trở thành một chỉnh thể điêu khắc. Đế chế Khmer tiếp tục phát triển và mở rộng đến tận thế kỉ thứ 11.

angkor-wat-cambodia-aerial-big

(Quần thể Angkor Wat)

Di tích nổi bật nhất của văn hóa Khmer phải kể đến Angkor Wat ( hay Vat), một quần thể đền đài khổng lồ xây dựng đầu thế kỉ 12 dưới triều vua Suryavarman II. Đó là một khu vực khép kín với rất nhiều đền thờ và khuôn viên, thể hiện trật tự vũ trụ thông qua điêu khắc kiến trúc. Angkor bị Champa xâm lược trong thế kỉ thứ 12. Dù về sau người Khmer đoạt lại được, nhưng Angkor kể từ đó không bao giờ tìm lại được vàng son một thưở. Angkor Thom và Bayon, xây dựng đầu thế kỉ 13 dưới triều vua Jayavarman VII, cho thấy sự xa rời khỏi phong cách điêu khắc thanh nhã và đầy trữ tình để hướng tới một phong cách hoành tráng hơn. Từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 18, đa phần các các tác phẩm nghệ thuật Campuchia là các tượng điêu khắc gỗ, nhưng do điều kiện khí hậu, chỉ một vài ngoại lệ còn sót lại. Những tác phẩm của giai đoạn này chủ yếu đi theo cảm hứng của điêu khắc Thái Lan.

Nghệ thuật Việt Nam

Hanoi-Halong-danamgfF06(Thánh địa Mỹ Sơn)

Vương quốc Champa tọa lạc tại Nam Trung Bộ của Việt Nam, gần như cùng thời gian với Chân Lạp. Nghệ thuật Champa tiêu biểu với nền điêu khắc gắn liền với kiến trúc, mà trong đó những đường nét trang trí vừa xa hoa vừa đầy nhục dục. Nghệ thuật Champa suy tàn sau thế kỉ 13. Trước khi người Việt giành lại độc lập từ nhà Đường vào năm 938, khu vực Bắc Bộ Việt Nam vẫn là phiên thuộc cho Trung Hoa. Nền nghệ thuật Việt Nam hầu hết chịu ảnh hưởng từ khuôn mẫu Trung Hoa và phong cách Champa láng giềng. Đặc biệt như sự tương đồng trong gốm sứ với một số tỉnh của nhà Tống (Trung Hoa).

Nghệ thuật Thái Lan

Indein Temple Complex Golden Temples(Quần thể chùa Indein)

Vào thế kỷ 13, người Thái bắt đầu tích lũy một nguồn lực đáng kể tại khu vực phía Tây của Đông Nam Á, và đến thế kỉ 15 đã trở thành chủ lực trong khu vực. Những tượng Phật bằng đồng của Xiêm La trong thế kỉ 14-15 cho thấy nguồn cảm hứng trong việc mô tả các chi dài quá mức, vẻ mặt thanh tịnh, và tư thế “Phật đi bộ”. Trong thế kỉ 16, tượng Phật được trang trí bằng trang sức trở nên phổ biến. Nhìn chung, tranh vẽ của Xiêm La chủ yếu thuộc về đề tài Phật giáo và vay mượn từ những khuôn mẫu Trung Hoa, nhưng lại sở hữu đường nét tinh xảo và màu sắc tươi sáng. Việc

Nghệ thuật Lào và Miến Điện

Laos_Luang_Prabang_temple_3(Chùa Luang Prabang, Lào)

Nghệ thuật Lào chịu ảnh hưởng vô cùng lớn từ láng giềng Xiêm La. Những vương quốc của người Thái được thành lập ở đây vào cuối thế kỉ thứ 14, kéo theo đó là việc áp dụng những khuôn mẫu nghệ thuật của Thái và Miến Điện. Một vài ngôi đền bằng gạch vữa vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nhưng có thể nói đa số vật liệu kiến trúc được người Lào sử dụng là gỗ, với những đường nét mái cong lên thanh thoát tiêu biểu của Đông Nam Á. Tại Myanma, khu vực tập trung dân cư chủ yếu là vùng thung lũng thấp Ayeyarwady. Tại đây nghệ thuật Phật giáo được hòa quyện với những tín ngưỡng bản địa (Nats). Đền thờ Nat ở Bagan vào thế kỉ thứ 9 là ví dụ sớm nhất của kiến trúc Miến Điện. Những công trình về sau này hay thể hiện yếu tố lửa điển hình của Miến Điện, ở phía trên cửa sổ hoặc như một phần của trang trí mái. Trong điêu khắc truyền thống, người Miến Điện bảo thủ, ban đầu đi theo phong cách Ấn rồi dần dần chuyển qua hình mẫu của người Thái và Khmer. Sơn mài Miến Điện được sử dụng trong các đền thờ và tu viện chính là một trong những điểm nổi bật nhất của nghệ thuật nơi đây.

Nghệ thuật Indonesia

Trên các đảo của Indonesia, người ta đã tìm thấy các hiện vật thuộc về nền văn hóa Đông Sơn, bao gồm chiếc trống đồng nổi tiếng “Moon of Bali” (Trăng Bali), lớn nhất trong loại “trống cầu mưa”. Văn hóa quần đảo Indonesia ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Ấn Độ. Vương triều vĩ đại Shailendra (776-864) từ trung tâm đảo Java đã mở rộng sức ảnh hưởng đến tận phía bắc Campuchia. Tượng điêu khắc từ những ngôi đền trung tâm đảo Java thế kỉ thứ 9 đã cho thấy rõ sự ảnh hưởng của những khuôn mẫu Ấn Độ. Chandi Mendut, xây năm 800, là một đền thờ Phật giáo kết hợp rất nhiều những phù điêu cho thấy sự chú trọng của người Java vào những đường nét mềm mại và thanh thoát.

Borobudur-Nothwest-view(Đền Borobudur)

Thành tựu nổi bật nhất của nền nghệ thuật Indonesia phải kể đến ngôi đền Borobudur, một quần thể kiến trúc và sơ đồ vũ trụ được xây dựng trong thế kỉ thứ 8. Trên địa hình thoải dốc, người ta dựng lên những bức tường chạm trổ phù điêu với vẻ đẹp tuyệt vời và tinh tế. Những bức tượng Phật được tạc rải rác dọc theo đó, và trên đỉnh cao nhất là 72 pho tượng Phật được đặt trong những ngọn tháp đá chạm trổ mắt cáo. Những tượng Phật bằng đồng về sau này tiếp tục đi theo phong cách tại Boroburdur. Vào thế kỉ 11, những phù điêu được khắc trên đá tiếp nối truyền thống điêu khắc của người Java. Đến thế kỉ thứ 15 với sự phát triển của Hồi giáo, nghệ thuật điêu khắc tượng dần rơi vào quên lãng. Thay vào đó người Indonesia tập trung việc điểm tô kiến trúc vào nghệ thuật trang trí các thánh đường Hồi giáo. Indonesia hiện đại đã và đang bắt tay chú trọng vào việc hồi sinh lại nền thủ công và nghệ thuật truyền thống.

Người dịch: Nguyễn Mai Hạ Quyên

Nguồn: Southeast Asian Art and Architecture

Mục lục tham khảo

See B. Groslier, The Art of Indochina (1962); H. Munsterberg, The Art of India and Southeast Asia(1970); A. K. Narain, ed., Studies in Buddhist Art of South Asia (1986); P. Rawson, The Art of Southeast Asia (1990)

Nguồn: https://vungoidanang.wordpress.com/2014/12/03/nghe-thuat-va-kien-truc-dong-nam-a/

Tag :

X

Live chat fanpage

Bạn cần tư vấn ?