Đã là người Việt Nam thì chắc hẳn không ai là không biết đến bài đồng dao “Thằng Bờm có cái quạt mo” thuộc làu làu từ thời mẫu giáo. Câu chuyện là thằng Bờm có một cái quạt mo được lão Phú ông gạ đổi lần một lấy ba con bò, chín con trâu, Bờm không đồng ý. Lần thứ hai lão Phú ông gạ Bờm đổi lấy một ao cá mè, Bờm không chịu. Lần thứ ba Phú ông gạ đổi lấy một bè gỗ lim, Bờm cũng không đổi. Lần bốn đổi lấy một con chim đồi mồi, Bờm lắc đầu. Lần cuối cùng thì lão Phú ông gạ Bờm đổi lấy nắm xôi, Bờm cười.
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là Bờm khôn hay dại?
Như vậy đã rõ, câu trả lời chỉ có hai phương án 1) là Bờm KHÔN và 2) là Bờm DẠI. Về phía cho rằng Bờm KHÔN giải thích rằng đó là một cuộc giao dịch sòng phẳng, làm đúng khả năng, hướng đúng nhu cầu. Bờm không khởi lòng tham thái quá, giá trị của cái quạt mo cũng chỉ ngang bằng với giá trị của nắm xôi mà thôi. Các nhà đạo đức học ca ngợi hết lời về tính tình khiêm tốn, thật thà, chất phác của Bờm. Các nhà kinh tế học nâng lên một trình độ cao hơn thành “Nghệ thuật thương thuyết: Biết người biết ta và câu chuyện của thằng Bờm”. Các nhà Macxit học cho rằng Phú ông đại diện cho tầng lớp thống trị bóc lột, lừa gạt, vơ vét, thì lấy đâu ra rộng rãi đến nỗi mang cả tài sản của mình ra mà đánh đổi. Họ giải thích rằng trong xã hội phong kiến khi xưa thì đó là một sự lựa chọn khôn ngoan của Bờm, việc hứa cho cái này cái nọ chỉ là một lời nói suông, khi đã chiếm đoạt được gì rồi thì dùng sức mạnh để trấn áp, do đó đổi quạt mo lấy nắm xôi là một việc làm đúng đắn.
Về phía cho rằng Bờm DẠI cũng có những tranh luận sôi nổi không kém đặc biệt là từ phía các nhà kinh doanh, rõ ràng đây là một cuộc đầu tư siêu lợi nhuận mà Bờm đã từ chối một cơ hội đổi đời. Bố mẹ Bờm mà biết câu chuyện này thể nào cũng lôi ra nọc cho tuốt xác. Còn các nhà tâm lý học và thần kinh học cho rằng Bờm có một hội chứng nào đó về thần kinh nên trí tuệ không được phát triển bình thường như các bạn bè cùng chăng lứa. Các đặc điểm của một thằng Bờm dân gian đã cho thấy đó là một cậu bé ngây ngô, chậm chạp, thậm chí là khờ dại. Do đó Bờm chỉ có thể ý thức được nắm xôi với cái quạt mo chứ không ý thức được các đồ vật khác mà Phú ông muốn đổi. Nhưng rõ ràng phía cho rằng Bờm dại không chiếm nhiều ưu thế hơn phía cho rằng Bờm khôn. Và tôi xin hỏi thật trong thâm tâm chúng ta, nếu được một lần như Bờm chúng ta sẽ chọn điều gì?
Vậy Bờm khôn hay dại?
Lại một lần nữa câu hỏi được lặp lại. Khôn hay dại chính là việc quyết định của Bờm có phải là đổi cái quạt mo lấy nắm xôi không. Con người Việt Nam duy tình kia đã bị tiếng cười của Bờm che mắt đi các con chữ cuối cùng của bài đồng dao và thừa nhận một cách hết sức vô tư rằng Bờm đã đổi cái quạt mo của hắn lấy nắm xôi của lão Phú ông. Nó còn được nâng lên thành những triết lý cao siêu rằng: Bờm là hình tượng văn học thể hiện lối sống “tri túc tiện túc”, “thiểu dục vi lạc”của người dân quê Việt Nam, Bờm là biểu trưng cho “hạnh phúc chân thật”của người “không chấp vào tôi, không chấp vào cái của tôi như lời Phật dạy”. Theo Võ Văn Lân, “phong cách của thằng Bờm trong ca dao cũng có thể phù hợp với phong cách Tuệ Trung Thượng Sĩ, một thiền sư cư sĩ đời Trần”, đồng thời Bờm “cũng là hình ảnh của Alexis Zorba, con người sống an nhiên tự tại, đói ăn khát uống”.
Tôi không thấy một cuộc giao dịch nào diễn ra ở đây cả, Bờm đơn giản chỉ cười thôi, cười không có nghĩa là đổi chác. Như vậy quạt mo vẫn là của Bờm còn nắm xôi vẫn là của lão Phú ông. Người Việt chúng ta dễ cả tin nên đễ bị dân gian đánh lừa. Bị đánh lừa từ tiếng cười của Bờm cho đến việc truy vấn sau câu chuyện nắm xôi quạt mo. Và cuối cùng, chúng ta đã bị đánh lừa ngay từ chính câu hỏi của chúng ta: Bờm khôn hay dại?
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi ………Bờm cười.
Cuong Do